top of page

So sánh tình hình công bố khoa học của các đại học Việt Nam

Bảng dưới đây tóm tắt tình hình công bố khoa học năm 2019 của các đại học Tôn Đức Thắng, ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội, và Viện hàn lâm khoa học (VAST). Tuy số liệu chưa đầy đủ, nhưng vẫn cung cấp được những xu hướng chung về năng lực khoa học và phẩm chất khoa học.

Số bài báo khoa học từ Việt Nam (2019) trên các tập san trong danh mục WoS của một số đại học. TDTU = Tôn Đức Thắng; VAST= Viện Hàn Lâm Khoa Học VN; DTU = Duy Tân; VNU-HCM = Đại học Quốc gia HCM; VNU-HN = Đại học Quốc gia Hà Nội; NTT = Nguyễn Tất Thành; HUST = Đại học Bách khoa Hà Nội; Hue = Đại học Huế; HMU = Đại học Y Hà Nội; Danang = Đại học Đà Nẵng.

Năm 2019, các nhà khoa học Việt Nam đứng tên tác giả trong 8894 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục Web of Science (Clarivate). Nhưng số này chỉ tập trung vào 10 đại học / viện chánh như sau:

  • Đại học TDTU (2175 bài)

  • VAST (1068)

  • Duy Tân (984)

  • VNU-HCM (835)

  • VNU-HN (660)

  • Nguyễn Tất Thành (463)

  • ĐH Bách Khoa HN (411)

  • ĐH Huế (226)

  • ĐH Y Hà Nội (215)

  • ĐH Đà Nẵng (210)

Số bài báo của 10 trường/viện trên chiếm 81% tổng số bài báo khoa học của cả nước.

Hợp tác quốc tế và affiliation

Nghiên cứu khoa học ngày nay thường là hợp tác. Khoảng 78% các bài báo khoa học từ VN là có hợp tác, thường là hợp tác quốc tế. Các trung tâm nước ngoài có nhiều hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam bao gồm:

  • Centre National de la Recherche Scientifique -- CNRS (‎328 bài)‎

  • Russian Academy of Science (‎171)‎

  • Universiti Teknologi Malaysia (‎130)‎

  • Chinese Academy of Sciences (‎128)‎

  • Sorbonne Universite (‎120)‎

  • Universite Paris Saclay (‎118)‎

  • University of California System (‎118)‎

  • Johns Hopkins University (‎100)‎

  • Sejong University (‎100)‎

  • Universite de Paris (‎99)‎

  • Mahidol University (‎98)‎

  • Imperial College London (‎97)‎

  • University of Cambridge (‎96)‎

Phân tích chi tiết hơn cho thấy các trung tâm ngoài Bắc (như VNU-HN) và VAST có tỉ lệ hợp tác khá nhiều với các nước Đông Âu, Ukraine và Nga; còn các đại học miền Nam thì hợp tác nhiều với Hàn Quốc, Nhật, Mĩ, Úc, Anh, Pháp, và một số nước Trung Đông.

Nhưng có nhiều dạng hợp tác, như hợp tác trong vai trò chủ trì, hoặc hợp tác trong vai trò tham gia đóng góp một phần trong nghiên cứu. Cách dễ biết nhứt (nhưng không hoàn toàn chính xác) là xem ai là tác giả liên lạc (còn gọi là 'tác giả chánh') và địa chỉ affiliation của tác giả.

Trong số 2175 bài của TDTU, có 69% bài tác giả chánh có affiliation tại TDTU; tức khoảng 30% bài báo của TDTU là có hợp tác với nước ngoài nhưng do người nước ngoài chủ trì. Tỉ trọng bài báo do người của viện/đại học là tác giả chánh dao động từ 29% (VAST), 32% (ĐHQG-HN) và 43% (ĐHQG-HCM). Nói cách khác, khoảng 57% đến 68% các bài báo từ VAST và 2 đại học quốc gia là do hợp tác nhưng người ngoài viện./ trường chủ trì.

Open Access

Ở Việt Nam, có vài người đòi tẩy chay các tập san Open Access (OA), vì họ cho rằng các tập san này không có giá trị khoa học mà chỉ 'ăn tiền'. Quan điểm này có vẻ là một sự hiểu lầm hay chưa hiểu thấu đáu. Thật ra, các tập san OA chánh thống có giá trị y như các tập san 'đóng cửa' (đóng niên liễm). Trong ngành y sinh, các tập san như Nature Comms, eLife, PLoS Medicine, Nature Medicine, v.v. thì phẩm chất còn cao hơn nhiều so với các tập san niên liễm truyền thống. (Dĩ nhiên, chúng ta không bàn đến các tập san OA dỏm.)

Bao nhiêu bài báo từ Việt Nam công bố trên các tập san OA? Câu trả lời là 3460 bài, tức chừng 39%. Tuy nhiên, tỉ lệ OA này dao động giữa các đại học: TDTU có vẻ thấp nhứt (31%), tương đương với VNU-HCM (32%), so với VNU-HN (36%) và VAST (37%).

Phẩm chất khoa học

Rất khó đánh giá phẩm chất khoa học vì một công trình nghiên cứu thường đòi hỏi thời gian để đồng nghiệp đánh giá. Trong một thời gian ngắn, thì thứ hạng của tập san khoa học và tần số trích dẫn có thể xem là những tín hiệu phản ảnh phẩm chất khoa học. Tổng số trích dẫn năm 2019 cho TDTU là 11915 (tức bình quân mỗi bài có 5.5 trích dẫn), và con số này cao nhứt so với VAST (2.0), ĐHQG-HCM (2.9) và ĐHQG-HN (3.0).

Nhưng vì trích dẫn thường 'skewed', nên chỉ số H có thể khách quan hơn. TDTU có 37 bài với mỗi bài được trích dẫn 37 lần trở lên (chỉ số H = 37). Chỉ số này cho VAST là 14, ĐHQG-HCM (18) và ĐHQG-HN (18).

Mấy năm gần đây, WoS cho ra khái niệm 'Highly Cited' (HiCi) và 'Hot Papers', tức những bài báo được trích dẫn nhiều (so với trung bình của mỗi chuyên ngành). Trong số 8894 bài báo từ Việt Nam, có 151 (1.7%) bài được xem là HiCi. VAST có 5 bài HiCi, chiếm 0.5% tổng số bài của Viện. Trong số bài HiCi của VAST, tất cả đều là tác giả hợp tác chủ trì. Hai Đại học Quốc gia có 12 bài HiCi, và đại đa số cũng là hợp tác với nơi khác hoặc nước ngoài.

ĐH Tôn Đức Thắng có 74 bài HiCi, chiếm 49% số bài HiCi của cả nước, và chiếm 3.4% tổng số bài của Trường. Phân tích cụ thể hơn cho thấy trong số 74 bài HiCi của TDTU, 61 bài là của các tác giả TDTU hay có affiliation với TDTU, như Nguyễn TT, Nguyễn TK, Trần MD, Bui DT, v.v.

Nhân sự

Theo trang web của Trường, TDTU có 1343 giảng viên và nhà nghiên cứu; trong số này, số giáo sư và phó giáo sư chỉ khoảng ~30 (tôi ước tính). Theo một báo cáo thường niên, các giảng viên và nhà nghiên cứu 'cơ hữu' của TDTU thuộc nhiều quốc tịch như Mĩ, Anh, Úc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, v.v. Những người này đều qua phỏng vấn và thẩm định về năng lực nghiên cứu khoa học trước khi được bổ nhiệm.

Số cán bộ khoa học của VAST và 2 Đại học Quốc gia rất hùng hậu. Theo báo cáo thường niên năm 2019, VAST có 2899 cán bộ nghiên cứu khoa học; trong số này có 228 GS/PGS và 954 tiến sĩ. Số giảng viên và cán bộ nghiên cứu của ĐHQG-HCM lên đến 3709 người, với 330 GS/PGS và 1332 tiến sĩ. ĐHQG-HN tuy có ít cán bộ giảng dạy và nghiên cứu (2300), nhưng số GS/PGS lên đến 438 người và 1313 tiến sĩ.

____

Tóm lại, những số liệu trên đây cho thấy khoảng cách về công bố khoa học và phẩm chất khoa học giữa các đại học còn khá lớn. Những số liệu này cũng cho thấy ĐH Tôn Đức Thắng, dù nguồn lực nhân sự khiêm tốn, nhưng lại đứng đầu bảng về số lượng công bố khoa học, đầu bảng về tỉ trọng tác giả chánh là người Việt, và đầu bảng về số lượng bài báo HiCi và số lần trích dẫn.

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page