top of page

Tỉ lệ tử vong COVID-19 là bao nhiêu?

Có lẽ đó là câu hỏi rất nhiều bạn (và tôi) muốn biết. Câu hỏi thứ hai là bao nhiêu phần trăm trong cộng đồng nhiễm Covid-19? Rất may là đã có ít nhứt 2 nghiên cứu trả lời hai câu hỏi này: số ca nhiễm cao hơn, nhưng nguy cơ tử vong thì thấp hơn những gì chúng ta đang thấy.

Ước tính tỉ lệ tử vong vì dịch Vũ Hán không dễ chút nào. Một cách đơn giản, chúng ta chỉ cần lấy số ca tử vong chia cho số ca bị nhiễm là có câu trả lời. Ví dụ như ở Đà Nẵng, tỉ lệ tử vong tính theo cách đơn giản này dao động trong khoảng 5 đến 6%. Chỉ số này gọi là "case fatality ratio" (CFR). Chỉ số này có vấn đề vì chúng ta không biết bao nhiêu ca nhiễm thật sự ngoài cộng đồng, nên CFR thường cao hơn thực tế.

Chỉ số Infection Fatality Ratio (IFR) chính xác hơn. Để tính IFR, chúng ta cần phải biết có bao nhiêu ca nhiễm trong cộng đồng. Số ca nhập viện hay được phát hiện không phản ảnh tổng số ca nhiễm, bởi vì còn nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng chúng ta chưa phát hiện vì chưa test. (Nói như ông Trump [rằng càng test nhiều thì càng tìm ra nhiều ca nhiễm] cũng đúng dù ổng bị nhạo báng). Do đó, xác định số ca nhiễm trong cộng đồng là rất quan trọng để ước tính nguy cơ tử vong và để đánh giá qui mô của dịch.

Cách tốt nhứt để đánh giá qui mô dịch Vũ Hán là đo lường antibody (kháng thể) SARS-Cov-2 trong cộng đồng. Người bị nhiễm thường sản sinh ra kháng thể IgG để chống trả virus, và có thể đo lường sau 2-3 tuần bị nhiễm (tuy có vài trường hợp kéo dài đến 90 ngày). Thường thì các nhà khoa học đo kháng thể IgG bằng phương pháp ELISA, nhưng nếu không có thì dùng phương pháp khác. Phương pháp ELISA không phải là hoàn hảo, nên độ nhạy (sens) thường cỡ 85% và độ đặc hiệu (spec) thì cao hơn (98-99%). Khi biết được hai độ nhạy và đặc hiệu, và biết tỉ lệ dương tính (p) có thể ước tính tỉ lệ nhiễm thật trong cộng đồng rất dễ dàng:

(p + spec - 1) / (sens + spec -1 )

Ở bên Anh [1], người ta đã làm test đó trên ~122,000 người trong thời gian 20/6/2020 đến 13/7/2020. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm là 6% (có thể dao động trong khoảng 5.8 đến 6.1%).

Bao nhiêu người chết? Tính theo IFR thì nguy cơ tử vong là 0.9% (khoảng tin cậy 95% 0.86 đến 0.94). Phân tích chi tiết cho thấy:

• Nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ (1.07% vs 0.71%);

• Tuổi càng cao, nguy cơ tử vong càng cao: tuổi 45-64 (0.5%), nhưng tuổi 75+ thì nguy cơ tử vong lên gần ~12%.

Một phân tích đa quốc gia [2] cũng cho ra kết quả như trên, nhưng rất khác nhau giữa các quốc gia. Tôi tóm tắt dữ liệu của nghiên cứu [2] qua biểu đồ dưới đây để các bạn có thể hiểu hơn.

Fig 1: Tỉ lệ tử vong có liên quan đến virus Vũ Hán theo độ tuổi và giới tính. Dữ liệu tổng hợp từ 45 quốc gia. Tỉ lệ này được tính bằng cách lấy số ca tử vong chia cho tổng số ca nhiễm. Dưới tuổi 50, tỉ lệ tử vong gần 0, nhưng tăng nhanh sau 70 tuổi. Nguồn: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.08.24.20180851v1.full.pdf

Yếu tố nào dẫn đến tử vong? Một công trình công bố trên PeerJ (do tôi biên tập) cũng cho thấy độ tuổi là yếu tố nguy cơ, nhưng ngoài ra còn có các yếu tố sinh hoá như hypersensitive troponin I, Creatine kinase isoenzyme [3].

Fig 2: Các yếu tố liên quan đến tử vong vì dịch Vũ Hán. Nghiên cứu này được thực hiện ở một bệnh viện Vũ Hán.Nguồn: https://peerj.com/articles/9885/#

Nói tóm lại, nghiên cứu ở Anh cho thấy cứ 100 người trong cộng đồng, có chừng 6 người bị nhiễm virus Vũ Hán, và con số này cao hơn nhiều so cới thực tế. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong liên quan đến dịch Vũ Hán thấp (chỉ 0.9%, hay 9 trên 1000 người nhiễm), đa số xảy ra ở người trên 60 tuổi, và nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ.

____

Age-specific mortality and immunity patterns of SARS-CoV-2 infection in 45 countries

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page