top of page

Ganh tị trong khoa bảng

Trong giới khoa học có ganh tị không? Câu trả lời đơn giản là "có". Ngành y được xếp đầu bảng ganh tị, còn giáo sư hạng trung bình. Ganh tị trong khoa bảng (envy) có những đặc điểm khác với ganh tị trong y khoa (jealousy).

Hình từ: https://www.chronicle.com/article/maybe-youre-just-a-jealous-academic


Ganh tị là một đề tài mang tính tôn giáo và đạo đức. Phật giáo gọi ganh tị là "tật đố", có nghĩa là thù ghét những ai hơn mình về quyền thế và chuyên môn. Người đố kị sẽ không thể nào giác ngộ và lúc nào cũng tự làm khổ mình. Trong Công giáo có Thánh Thomas d'Aquino xem ganh tị là một trong những tội chết người của nhân loại. Chữ envy (ganh tị) do đó có nguồn từ tiếng Latin, 'invidere', có nghĩa là nhìn người khác với tà tâm và thù ghét.

Người thường (ngoài khoa học) ganh tị thì đã được bàn nhiều. Nhưng còn một loại ganh tị hiện hữu trong giới chuyên môn, mà tiếng Anh gọi là "Professional Jealousy" (ganh tị nghề nghiệp), tức là ganh đua (không phải 'tranh đua') giữa những người trong một chuyên ngành. Loại ganh tị này có thể làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội, và nó biến cho kẻ ganh tị không chỉ xấu xí mà còn nguy hiểm.

Ngành nghề nào có ganh tị nặng nề nhứt? Triết gia người Ý Signor Ferriani được xem là một trong những chuyên gia có nhiều nghiên cứu về tâm lí nghề nghiệp. Ông có công phát triển một thang điểm để đánh giá mức độ ganh tị nghề nghiệp. Theo Ferriani giới chuyên môn trong các ngành nghề sau đây ganh tị (từ thấp đến cao):

· kiến trúc sư (thấp nhứt);

· tu sĩ;

· luật sư;

· sĩ quan trong quân đội;

· giáo sư về khoa học và văn học;

· nhà báo;

· nhà văn;

· bác sĩ;

· diễn viên (cao nhứt).

Như có thể thấy trong thang điểm trên, giới y khoa có tánh ganh tị thuộc vào hàng cao nhứt, chỉ sau giới diễn viên. Ngạc nhiên? Theo một số nghiên cứu, thì giới y khoa ganh tị với nhau ngay từ thời còn đi học, vì họ phải cạnh tranh để được vào trường y, và khi đã tốt nghiệp thì còn phải cạnh tranh để được vào các chuyên khoa, và khi đã vào chuyên khoa còn phải cạnh tranh để được công nhận (recognition), thăng tiến trong khoa bảng (như đề bạt chức giáo sư chẳng hạn). Giới bác sĩ, theo Ferriani, thể hiện tánh ganh tị của họ qua việc chê hay nói xấu đồng nghiệp, và chữ 'lang băm' hay được dùng. Họ thường nhìn đồng nghiệp với ánh mắt nghi ngờ như là những kẻ đe doạ đến sự nghiệp họ.

Ganh tị trong khoa bảng và khoa học

Trong bảng xếp hạng trên, giới khoa bảng có tánh ganh tị trung bình. Ganh tị trong y khoa có thể xem là Jealousy, nhưng ganh tị trong khoa bảng là Envy. Hai chữ này có nghĩa xem ra giống nhau nhưng thật ra là khác nhau. Jealousy là ganh tị như cảm giác mình bị đe doạ và sợ người khác (như ghen tuông trong tình cảm). Envy là cảm thấy 'cay đắng' trước sự thành công của người khác, sự thành công mà mình muốn có hay nghĩ rằng mình xứng đáng. Do đó, ganh tị trong khoa bảng được gọi là 'Academic Envy'.

Nhớ vài tuần trước tôi hân hoan báo tin một đồng nghiệp tương đối trẻ được đề bạt chức giáo sư thực thụ, cô bạn tôi sa sầm nét mặt hỏi "Với track record như tay đó mà cũng thành prof à?" Tôi ngạc nhiên vô cùng (vì nghĩ mình được chị ta chia xẻ tin vui). Hoá ra, trong lần đề bạt vừa qua, chị ta không được đề bạt chức giáo sư thực thụ. Những thành bại trong sự nghiệp và 'prestige' như thế rất dễ dẫn đến một môi trường độc hại. Có thể nói không ngoa rằng nghiên cứu khoa học là là mảnh đất màu mỡ cho ganh tị.

Tuy nhiên, đề bạt không phải là yếu tố duy nhứt dẫn đến ganh tị; trong thực tế còn nhiều yếu tố khác. Theo quan sát của tôi, sự ganh tị trong khoa học xuất phát từ 1 (hay nhiều hơn) trong 5 yếu tố dưới đây:

· Văn hoá "Publish or Perish" (công bố hay diệt vong)

· Cạnh tranh grant (tài trợ cho nghiên cứu)

· Đề bạt các chức vụ prestige (như giáo sư thực thụ) và fellowship

· Kĩ năng

· Dòng dõi khoa bảng (academic progeny)

Trong thế giới khoa học, có văn hoá "Publish or Perish", có nghĩa là phải có công bố khoa học và công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao thì mới tồn tại được. Mà, để công bố trên các tập san đó thì mức độ cạnh tranh rất ác liệt, vì tỉ lệ từ chối thường lên đến 90%. Cứ mỗi lần một đồng nghiệp công bố trên một tập san 'high profile' và được giới truyền thông đại chúng chú ý là có những 'xầm xì' về công trình nghiên cứu đó. Bề ngoài thì họ chúc mừng về bài báo, nhưng đằng sau cũng có người cho rằng bài đó không xứng đáng có mặt trên một tập san lừng danh như thế. Phải nói thẳng là công bố trên các tập san lừng danh ngày nay phần lớn là một trò lottery, vì xác suất được chấp nhận và từ chối gần như 50-50, chớ nhiều khi chẳng phụ thuộc vào phẩm chất khoa học. Trong thời Covid-19 này, các tập san như New England Journal of Medicine tập trung công bố những bài về Covid-19, nên các công trình truyền thống khác phải ... hi sinh, và thế ra nảy sinh ganh tị. "Tại sao nó vào được tập san đó, mà mình thì không?"

Ganh tị trong khoa học thường thể hiện qua bình duyệt. Bởi vì họ không dám nói xấu trong các hội nghị, nên họ tìm cách nói xấu đồng nghiệp qua cơ chế bình duyệt. Trong vai trò editor, tôi đã đọc được những lời bình luận về đồng nghiệp rất ư nặng nề và xúc phạm. Xin trích vài bình luận đã được công bố trong sách như sau, và các bạn sẽ sốc về tánh xấu của giới khoa học nói về đồng nghiệp mình:

· The results are as weak as a wet noodle. (Những kết quả này yếu ớt như cọng mì)

· The manuscript makes three claims: The first we’ve known for years, the second for decades, the third for centuries. (Tạm dịch: bài này đưa ra 3 phát biểu chẳng có gì mới. Phát biểu thứ nhứt thì đã được biết qua nhiều năm; phát biểu thứ hai đã quá quen thuộc trong vài thập niên qua; còn phát biểu thứ ba thì đã là kiến thức phổ thông qua nhiều thế kỉ).

· Did you have a seizure while writing this sentence? Because I feel like I had one while reading it. (Anh có bị động kinh khi viết câu này không vậy? Tôi đọc câu này và cảm thấy như anh bị động kinh).

Một khía cạnh khác cũng cạnh tranh ác liệt là 'grant' (xin tài trợ). Trong thời đại ngày nay, tài trợ hay grant còn quan trọng hơn cả công bố khoa học. Người ta đánh giá nhà khoa học không phải qua số bài báo công bố, mà qua số tiền xin được và nguồn tiền xin được. Do đó, các hồ sơ đề bạt chức giáo sư thường có câu "Trong 10 năm qua, tôi đã xin được XX triệu USD)". Nhưng không chỉ xin được bao nhiêu, mà còn là xin từ đâu. Nếu ông A xin được 500 ngàn USD từ kĩ nghệ thì không được đánh giá cao bằng ông B xin được 200 ngàn USD từ một tổ chức cạnh tranh cao như NIH (Mĩ) hay NHMRC và ARC (Úc). Tiêu chuẩn grant nó, trớ trêu thay, biến nhà khoa học thành kẻ 'ăn xin chuyên nghiệp', và kẻ nào ăn xin giỏi được đánh giá cao!

Một anh bạn tôi (người Úc) có lần nói đùa rằng mỗi đợt xin tài trợ là giống như 'đấu bò' với nhau. Người trong cùng chuyên ngành cạnh tranh với nhau đã đành, nhưng người trong mỗi labo hay mỗi khoa cũng phải đấu với nhau. Tỉ lệ thành công thường rất thấp (chỉ 5-10%), và càng ngày càng thấp hơn khi Nhà nước giảm ngân sách cho khoa học. Điều đó có nghĩa là cuộc đấu bò càng ngày càng ác liệt. Thành ra, cứ mỗi đợt / năm, khi kết quả tài trợ được công bố là có người vui và kẻ buồn. Từ buồn đến ganh tị trong mỗi department chẳng bao xa.

Đề bạt các chức vụ khoa bảng cũng là yếu tố dẫn đến ganh tị. Đã từng phục vụ trong vài hội đồng đề bạt, tôi thấy sự ganh tị hay xảy ra trong các khoa khoa học xã hội và nhân văn. Đó là những khoa mà tiêu chuẩn đề bạt ít định lượng hơn (so với các khoa như khoa học, medicine và engineering) nên họ phải dựa vào các tiêu chuẩn định tính. Mà, tiêu chuẩn định tính thì có thể dễ dẫn đến đánh giá chủ quan. Những suy nghĩ như "Tại sao ông đó chỉ có 5 bài mà thành giáo sư, còn chị kia có cả 20 bài mà không được đề bạt" rất phổ biến.

Kĩ năng chuyên môn cũng là yếu tố dẫn đến ganh tị. Người ganh tị đối đầu với một 'đối tượng' cùng nghề nghiệp nhưng người đó sở hữu tố chất, tri thức, khả năng chuyên môn tốt hơn mình. "Đối tượng" ở đây là đồng nghiệp và họ thường có cùng đẳng cấp hay có khả năng gần bằng nhau, và kẻ ganh tị chỉ nhắm đến đối tượng tương đương với mình hơn là những đối tượng quá xa. Người ăn xin ganh tị với những người ăn xin khác thành công hơn họ, chứ không ganh tị với những người triệu phú. Kẻ ganh tị cảm thấy đau khổ vì sự kém cỏi của mình không có khả năng như 'đối tượng'; thành ra, nỗi đau của người ganh tị được mô tả như là một cảm giác trống không, thất bại.


Kẻ ganh tị cảm thấy đau khổ vì sự kém cỏi của mình không có khả năng như 'đối tượng'. Khi một bác sĩ nhi khoa viết một cuốn sách về khảo cổ nổi tiếng, thì anh ta bị giới khảo cổ chê bai một cách vu vơ (kiểu "anh ấy mà biết gì", "coi chừng những luận điểm của anh ta") mà không chỉ ra được cái sai nào. Người ta ganh tị anh bác sĩ vì anh đã làm được cái mà họ không làm được, và thế là lấy 'chuyên môn' ra làm cái bình phong.Thành ra, nỗi đau của người ganh tị được mô tả như là một cảm giác trống không, thất bại. Giống như trong Tam Quốc Chí, La Quán Trung đã cho Chu Du than một cách thống khổ rằng "Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng?"


Giống như trong các môn phái võ lâm, trong khoa học cũng có môn phái và họ cạnh tranh với nhau. Từ cạnh tranh bè phái dẫn đến những phản ứng mang tính phòng vệ như mỉa mai, miệt thị, hợm hĩnh, và ái kỉ. Tất cả những hình thức phản ứng này có một mẫu số chung là dùng sự khinh miệt để tối thiểu hóa mối đe dọa đến từ người khác. Điều này giải thích tại sao những người có thói ganh tị thường hay tìm cách nói xấu và miệt thị người khác như là những kẻ bất tài và vô dụng, và qua đó, nhằm tự nâng cao tầm vóc của mình. Trước sự thành công của người khác, kẻ ganh tị thường tìm về cái gốc ('bộ lạc') của người đó, và họ có cớ để nói kiểu như 'Nó chỉ may mắn ở trong nhóm đó thôi, chớ chẳng có tài cán gì'.

Tóm lại, để trả lời câu hỏi có hay không có ganh tị trong khoa học, câu trả lời dứt khoát là 'có' và người ta gọi là 'Academic Envy' (khác với ganh tị trong các ngành nghề khác là 'Professional Jealousy'). Dù dùng danh từ gì thì ganh tị về bản chất là một tánh xấu, và nó thường có ở những người thiếu tự tôn. Đối diện với một người thành công hơn và tài giỏi hơn, người ta thường có 2 phản ứng trái: ngưỡng mộ và ganh tị. Ngưỡng mộ giúp cho người ta phấn đấu để trở thành tốt hơn, tri ân hơn, và ghi nhận thực tế tốt hơn. Nhưng ganh tị thì có tác động ngược lại vì nó làm gãy vỡ các mối liên hệ xã hội và làm cho kẻ ganh tị trở nên độc địa trong suy nghĩ và việc làm.

Comments


Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page