Những trường hợp bị hội đồng giải Nobel "bỏ quên"
Hai nhà khoa học gốc Á châu đáng lí ra nên được trao giải Nobel y sinh học năm nay, nhưng tiếc thay họ bị 'bỏ quên' như nhiều trường hợp khác trong quá khứ. Cộng đồng khoa học đoán rằng Uỷ ban giải Nobel Y đang hồi hộp chờ trả lời của Gs Michael Houghton xem ông có chấp nhận giải thưởng hay không. Nhưng câu chuyện đằng sau khám phá siêu vi C nói lên giai tầng trong nghiên cứu khoa học, thể hiện sự bất bình đẳng giữa cấp trên và cấp dưới trong việc ghi nhận công trạng.
Giải Nobel Y Sinh học năm nay được trao cho 3 nhà khoa học có công khám phá siêu vi C (hepatitis C virus -- HCV). Họ là Giáo sư Harvey Alter (Mĩ, 85 tuổi), Michael Houghton (Canada gốc Anh, 71 tuổi), và Charles Rice (Mĩ, 68 tuổi).
Trong bản thông cáo của Hội đồng giải Nobel y sinh học 2020, không có một đề cập nào đến 2 nhà khoa học đã có công đầu trong việc khám phá siêu vi C: đó là tiến sĩ Qui Lim Choo (gốc Singapore) và George Kuo (gốc Đài Loan). Không có hai người này, chưa chắc chúng ta có HCV và thuốc điều trị viêm gan C, và chưa chắc Gs Michael Houghton được trao giải Nobel. Do đó, sự thiếu ghi nhận hai nhà khoa học gốc Á châu đó là một thiếu sót đáng tiếc.
Nhân dịp chấp bút một bài cho báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần (bạn đọc có thể tìm đọc vào ngày mai hay ngày mốt), tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ chung quanh trường hợp của Choo và Kuo dưới đây.
Vai trò của Qui Choo và George Kuo
Nói một cách ngắn gọn là thế này: người thực sự khám phá ra HCV là tiến sĩ George Kuo và Qui Lim Choo. Vào thập niên 1980s, cả 3 người (Houghton, Choo và Kuo) đều là nhân viên nghiên cứu của công ti sinh học Chiron ở California (Mĩ), nay đã được Novartis mua. Michael Houghton, lúc đó chưa là giáo sư, cùng với Choo bắt đầu dự án nghiên cứu tìm tác nhân gây bệnh viêm gan mà lúc đó đặt tên là NANBH (non-A, non-B hepatitis), tức viêm gan không do siêu vi A và B. Họ đã thành công trong việc tạo ra kháng thể đơn dòng đặc hiệu cho NANBH từ mẫu huyết tương lấy từ khỉ do Daniel Bradley gởi đến. Lúc đó, Bradley làm việc cho CDC. Họ dùng kháng thể để tầm soát trong thư viện cDNA nhưng không tìm ra tác nhân gây bệnh.
Nhóm khám phá HCV (từ trái sang phải và từ trên xuống): Michael Houghton, Qui L Choo, Georges Kuo và Daniel Bradley.
George Koo lúc đó có lab riêng tại Chiron nhưng không làm trong dự án của Houghton và Choo, nhưng anh ta hợp tác với hai thầy trò Houghton và Choo. Kuo đề nghị một cách tiếp cận khác từ huyết thanh của bệnh nhân [1]. Vì cách làm này khá mạo hiểm nên cả Houghton và Choo dè dặt [2]. Phải 2 năm sau, với sự hợp lực của 3 người, thì ý tưởng của Kuo mới thành hiện thực. Và, kết quả ngọt ngào là qua dùng cách tiếp cận mới họ khám phá HCV. Kuo còn tiếp tục phát triển kit để phát hiện kháng thể dùng cho việc phát hiện HCV từ mẫu máu do Harvey Alter (của NIH) gởi đến. Với mẫu mới từ Alter, phương pháp của Kuo càng được khẳng định là đúng. Những sự việc đó được Gs Houghton viết rõ trong bài tổng quan (xem hình).
Họ công bố 2 bài báo liền trên tập san lừng danh Science cùng một ngày vào năm 1989 [3, 4]. Bài báo đầu [3] do Choo đứng tác giả đầu và Kuo tác giả 2, và bài thừ hai do Kuo đứng tên tác giả đầu, Choo tác giả 2. Cả hai bài, Houghton là 'tác giả sếp' (tức đứng tên sau cùng). Bài đầu có Bradley và bài hai có Harvey Alter đứng tên đồng tác giả. Ai làm nghiên cứu khoa học đều biết người đứng tên tác giả đầu là người thực sự làm nhiều nhứt và soạn bản thảo bài báo, còn người đứng tên sau cùng thường (không hẳn 100%) là sếp điều hành của labo. Do đó, trao giải cho Houghton, Kuo, và Choo là hoàn toàn hợp lí. Nhưng ở đây, chỉ có Houghton và Alter được trao giải!
Công bằng mà nói, chính Giáo sư Houghton cũng không thoải mái với uỷ ban giải thưởng bỏ qua đóng góp của Choo và Kuo. Giáo sư Houghton cho biết vào thập niên 1990s Quĩ Robert Koch báo là sẽ trao giải thưởng Robert Koch cho ông và Daniel Bradley. Ông yêu cầu trong danh sách phải thêm tiến sĩ Qui Lim Choo và George Kuo, nhưng Quĩ không chịu. Thế là ông từ chối giải thưởng Robert Koch. Năm 2013 ông được trao giải Gairdner International Award (được xem là giải "Nobel con") nhưng ông cũng từ chối vì không có tên hai đồng nghiệp của ông. Tuy nhiên, năm 2000, ông và giáo sư Alter được trao giải Lasker, và ông cũng yêu cầu trao cho tiến sĩ Choo và tiến sĩ Kuo, nhưng họ cũng không chịu, thế nhưng lần này sau cả tuần cân nhắc thì ông chấp nhận giải Lasker.
Cộng đồng khoa học đang chờ phản ứng của ông sau thông cáo của Uỷ ban giải Nobel. Để xem lần này ông có từ chối giải Nobel. Nếu ông từ chối thì đó là một cú sốc cho hội đồng trao giải thưởng.
Các trường hợp bỏ quên khác
Trường hợp của Choo và Kuo không phải là cá biệt hay mới. Trong quá khứ đã xảy ra nhiều trường hợp mà giải Nobel 'bỏ quên' những nhà khoa học tiên phong và có đóng góp lớn. Danh sách những nhà khoa học bị bỏ rơi dài đến nổi viết thành một cuốn sách! Có thể kể ra đây một số trường hợp tiêu biểu:
· Richard Doll và Bradford Hill khám phá mối liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi, giúp tạo ra một chuyên ngành và cứu sống nhiều triệu người trên thế giới;
· Akira Endo khám phá statin, giúp cứu sống nhiều triệu người trên thế giới và làm giàu cho nhiều tập đoàn dược;
· Herbert Boyer và Stanley Cohen sáng chế công nghệ 'recombinant DNA' giúp biết bao nhiêu nhà khoa học có những khám phá quan trọng;
· Inge Edler và Carl Hellmuth Hertz sáng chế ra siêu âm mà ai làm trong y khoa đều biết và giúp cho rất rất nhiều người trên thế giới trong chẩn đoán;
· James Till và Ernest McCulloch về khám phá tế bào mầm (stem cells);
· v.v.
Trường hợp Oswald T. Avery và DNA
Có lẽ trường hợp bỏ rơi đáng tiếc nhứt là Oswald Avery, được mệnh danh là 'unsung hero' trong di truyền học vì chính ông là người đầu tiên khám phá và định nghĩa DNA là một chất liệu di truyền. Ông công bố khám phá này vào năm 1944. Watson và Crick công bố công trình khám phá DNA vào năm 1953, sau Avery đến 9 năm.
Trong thời gian từ 1932 đến 1942, Avery đã được tiến cử cho giải Nobel nhiều lần, nhưng không được trao giải. Kể từ năm 1945, ông được tiến cử hàng năm, nhưng thời gian đó, giới nghiên cứu khoa học chưa chịu nhìn nhận thuyết của Avery vì họ không nghĩ là DNA chỉ đơn giản có 4 mẫu tự mà lại có chức năng “chất liệu di truyền”, họ nghĩ protein mới chính là chất liệu di truyền. Đến khi (sau này) cộng đồng khoa học chấp nhận ý tưởng của Avery thì ông đã qua đời, và Ủy ban Nobel không có lệ trao giải thưởng cho người đã chết!
Trường hợp Charles Best và insulin
Năm 1923, Frederick Banting và John MacLeod được trao giải Nobel nhờ vào công trình nghiên cứu về insulin. Nhưng giải thưởng này đã bị chất vấn ngay từ lúc Hội đồng Nobel công bố.
MacLeod là giáo sư và trưởng phòng thí nghiệm, nơi mà Banting và một đồng nghiệp trẻ tuổi tên là Charles Best làm việc. Hai người có công khám phá insulin là Banting và Best (vì lúc đó MacLeod không có mặt trong phòng thí nghiệm vì ông đi công tác xa). Thế nhưng trớ trêu thay, chỉ có Banting và MacLeod, mà không phải Banting, là người được trao giải! (Thực ra, sau này Best cũng được tiến cử nhiều lần, nhưng ông không có cơ duyên được trao giải.)
Trường hợp Bruno Lemaitre và TLR
Năm 2011, Gs Jules Hoffmann (Pháp), Bruce A. Beutler, và Ralph M. Steinman được trao giải thưởng Nobel vì khám phá [thụ thể] toll-like receptor, chức năng của hệ nội miễn dịch và hệ miễn dịch thích ứng. Nhưng người phát hiện và có công đầu là Gs Bruno Lemaitre, chớ không phải Hoffmann.
Theo Lemaitre thì Gs Hoffmann không xứng đáng với giải thưởng đó, bởi vì Hoffmann chẳng có công trạng gì về công trình toll-like receptor dẫn đến giải Nobel. Lemaitre viết rằng Hoffman không có ý tưởng gì về dự án đó, rất xa rời với công việc thí nghiệm, và cũng không ủng hộ dự án. Dự án đó chỉ một mình Lemaitre (lúc đó là postdoc) theo đuổi từ đầu chí cuối, ngay cả Hoffmann không ủng hộ. Lemaitre cho biết anh có tất cả các lab notebooks để chứng minh rằng Hoffmann không có liên quan gì đến dự án, nhưng khi công bố bài báo thì ông ... có tên!
Khi Hoffmann được hỏi về phản ứng của Lemaitre, thì ông lịch sự nói rằng đó không phải là vấn đề nên thảo luận trên báo chí. Hoffmann có vẻ không tranh cãi với Lemaitre, vì ông nói rằng trong bài diễn văn nhận giải, ông có ghi công trạng của Lemaitre và các cộng sự khác trong lab, chứ không phải bỏ qua người cộng sự quí giá. Tuy nhiên, Gs Lemaitre cho rằng điều đó không đúng, bởi vì dự án TLR chỉ có một mình ông và chỉ một mình, chớ không có ai khác tham gia. Ông còn tiết lộ rằng khi thấy ông quyết chí theo đuổi dự án TLR thì sếp Hoffmann cố tình "dìm", không dành ưu tiên cho dự án. Khi soạn thảo bài báo, Hoffmann thậm chí không thèm quan tâm và chẳng buồn tình đọc qua! Nhưng khi công trình thành công thì trớ trêu thay Hoffmann là người được nhắc đến như là 'người hùng', còn Lemaitre thì chẳng ai biết đến!
Công trạng trong khoa học
Francis Darwin (con trai của Charles Darwin) trong một bài diễn thuyết năm 1914 đăng trong Eugenics Review nói rằng "In science, the credit goes to the man who convinces the world, not to the man to whom the idea first occurs" [5]. Tạm dịch là "Trong khoa học, công trạng thuộc về người thuyết phục thế giới, chớ không phải thuộc về người đầu tiên đề ra ý tưởng".
Câu nói đó có vẻ đau lòng đối với nhiều người ngoài khoa học, nhưng nó lại rất đúng với những gì diễn ra trong thực tế. Trong khoa học người ta phân biệt 3 'giai cấp': doer, speaker và thinker.
· Những "doer" là người lao động, thường là phụ tá nghiên cứu, tiến sĩ, hậu tiến sĩ. Những người này rất vất vả, làm ngày đêm, không biết ngày thường hay ngày cuối tuần để trước là làm ra sản phẩm mà sếp đang cần và sau là giữ việc vì sự nghiệp của họ rất bấp bênh;
· Những "speakers" là sếp, là người dùng thành quả của doer đi chu du vòng quanh thế giới và trong các hội nghị thuyết phục đồng nghiệp và thiên hạ về sự hữu ích của những dự án mà họ đang theo đuổi. Họ viết review là chánh, chớ ít khi nào viết original paper. Họ cũng tranh thủ vận động cho các doer được thăng tiến trong sự nghiệp. Một công việc quan trọng nhứt là họ phải dùng thành quả của doer để ... xin tài trợ và qua đó có thể giữ chân doer;
· Còn những "thinker" là loại 'nhà tư tưởng', dùng thành quả của doer và speaker để nghĩ ra hướng mới, ý tưởng mới. Những người này đã thành danh, đã qua thời hoàng kim, và đã bước vào giai đoạn rút lui sau hậu trường. Dĩ nhiên, họ phải từng là speaker trước khi thành thinker.
Trong thế giới khoa học, người ta hay biết đến speaker hơn là doer. Đó chính là lí do tại sao speaker hay được ghi nhận qua các giải thưởng. Trong trường hợp giải Nobel năm nay, Kuo và Choo chính là doer, còn Houghton là speaker. Hai người kia có công đầu trong khám phá, nhưng người thuyết phục thế giới (nói theo Francis Darwin) lại là Houghton, và điều này giải thích tại sao Houghton được giải thưởng.
Tuy nhiên, lí giải trên là cho ... vui thôi. Nghiêm chỉnh mà nói: vấn đề là Hội đồng bỏ rơi 2 người có công đầu. Qui định của Hội đồng giải Nobel là mỗi giải thưởng chỉ trao cho tối đa 3 người, và không trao cho người đã qua đời. Tại sao không sửa qui định trao giải cho 5 người? Khoa học ngày nay đòi hỏi hợp tác liên ngành và đa ngành, nên bất cứ khám phá nào cũng là thành quả của một nhóm chớ không phải một cá nhân như thời xa xưa. Trường hợp Qui Lim Choo và George Kuo bị bỏ rơi năm nay là một lí do chánh đáng để xem xét lại qui định đó.
_____
Kể chuyện bên lề: trong một symposium về giải Nobel y sinh học tổ chức ở Ninh Bình năm 2018 tôi có cơ duyên làm chair một phiên discussion, và diễn giả chánh là ông cựu chủ tịch Hội đồng giải Nobel y sinh học. Trong phiên vấn đáp, tôi hỏi ông trong 100 năm qua, có trường hợp nào mà Hội đồng trao giải cho sai người không. Ông trả lời rất nhẹ nhàng đúng phong cách người Bắc Âu: KHÔNG.
Comments