top of page

Vài ý kiến về xét duyệt công nhận chức danh giáo sư ngành y 2020

Đọc qua những tin không hay về việc xét công nhận chức danh giáo sư năm nay [1,2], đôi khi tôi cũng muốn có vài lời bình luận, vì thấy có gì đó không hợp lí hoặc hiểu lầm. Nhưng nghĩ lại thì thôi, không muốn nói nữa. Một cảm giác chán chường và thất vọng. Chỉ chia sẻ ở đây như là những cảm nghĩ cá nhân như là một trang nhựt kí.

Nguồn: https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm


Trước hết là con số 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành y và dược được cho là "khai gian dối các bài báo khoa học, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư" [1]. Hai ngày sau, lại thêm 21 ứng viên được thông qua nhưng không đủ tiêu chuẩn [2]. Tức là có tổng cộng 37 ứng viên không đạt tiêu chuẩn nhưng đã được thông qua!

Hội đồng nói rằng sẽ rà soát lại. Nhưng nếu rà soát lần này thì tại sao không rà soát luôn các ứng viên của các năm trước? Các ứng viên sẽ đặt câu hỏi như thế.

Ai sẽ là người xem xét lại?

Chẳng lẽ để cho Hội đồng giáo sư xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua? Đây là vấn đề khó vì chẳng những đòi hỏi tính độc lập mà còn kĩ năng đánh giá các tập san khoa học.

Thật ra, tôi thấy ngay cả những người đánh giá và kết luận rằng các ứng viên 'gian lận' hay 'đạt' cũng có sai sót hiển nhiên. Chẳng hạn như có tập san họ đánh dấu là "OK" hay "Q1" [3], nhưng thật ra đó là tập san dỏm hay gần dỏm! Từ đó, 'kết luận' của họ cũng sai.

Do đó, cần phải đánh giá lại những kết luận của người ngoài ngành khác đã đánh giá. Theo tôi thì phải có hội đồng độc lập, mà thành viên là những người trong ngành y và có kinh nghiệm cao về công bố khoa học.

Đánh giá tập san?

Bình luận về vấn đề này, chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành y cho biết đại khái rằng "hạng của các tạp chí khoa học cũng thăng giáng liên tục. Giai đoạn COVID-19 vừa qua, ngay cả những tạp chí nổi tiếng bên Mỹ cũng tùm lum hết." Tôi nghĩ là anh ấy đề cập đến bài báo trên New England Journal of Medicine và Lancet bị rút xuống. Nhưng sự rút xuống 2 bài báo đó không hề làm suy giảm uy tín của New England Journal of Medicine và Lancet, và cũng chẳng liên quan gì đến vấn đề mà báo chí đang nêu lên.

Nhưng ở đây, chúng ta không nói đến các tập san lừng danh đó; chúng ta nói đến những tập san mà các ứng viên đã công bố và gây ra tranh cãi. Tôi tò mò nhìn qua danh sách tập san mà các ứng viên công bố [3], và tôi nghĩ có thể nói rằng tất cả (danh sách dưới đây) đều có thể xem là phi chánh thống hay gần như phi chánh thống (hiểu theo nghĩa chẳng thuộc hiệp hội y khoa nào cả) hay không/hiếm ai trong chuyên ngành biết đến:

· American Journal of Case Report

· Archives of Pharmacy Practice

· Asian Journal of Pharmaceutics

· Biomedical Journal of Scientific and Technical Research

· Catalysts

· Child's Quality of Life in Asia

· Diabetes, Metabolic Syndrome and Obesity: Targets and Therapy

· European Journal of Anatomy

· Farm Sci Asian

· Genetics and Molecular Research

· International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences

· International Journal of Medical Sciences and Health Research

· International Journal of Environmental Research and Public Health

· Journal of Clinical and Diagnostic Research

· Journal of Medical Sciences - Pakistan

· Journal of the Pakistan Medical Association

· Journal of Vascular Medicine and Surgery

· Malaysian Journal of Medical Sciences

· Open Dermatology Journal

· Pharmaceutical Chemistry Journal

· Research Journal of Pharmacy and Technology

· Systematic Reviews in Pharmacy

Bất cứ ai có kinh nghiệm gian nan trong nghiên cứu và công bố khoa học chỉ cần nhìn qua vài bài báo tiêu biểu trên các 'tập san' trên cũng thấy ... kì kì. Những đặc điểm chánh có thể rút ra từ những 'tập san' này là (tôi nghĩ đây không hẳn là tập san nghiêm chỉnh):

· Tên tập san rất chung chung, như Journal of Medical Sciences, Genetics and Molecular Research, Biomedical Journal of Scientific and Technical Research, Journal of Clinical and Diagnostic Research, v.v.

· Ban biên tập không biết nói sao. Có tổng biên tập là bác sĩ phẫu thuật, chưa bao giờ công bố một bài nào trên tập san chánh thống. Lại có tổng biên tập chưa bao giờ công bố trên tập san mà ông làm sếp. Còn ban biên tập có khi chỉ là ... postdoc!

· Giao diện internet của các tập san này rất đơn giản, như là một website cá nhân, chớ không giống một tập san khoa học.

· Tiếng Anh thì rất kém, và có khi viết sai. Ví dụ như có 'tập san' viết là "Impact Factor An Index", ai mà hiểu nổi có ý nghĩa gì.

· Bài báo thì vô cùng đa dạng. Có khi tập san với tên là dược khoa nhưng cũng công bố bài về chất lượng cuộc sống.

· Bài báo thì đa số là đơn giản. Có khá nhiều bài chỉ ... 3 trang!

· Thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố có khi chỉ trên dưới 10 ngày.

"Gian lận"?

Kế đến là chữ "gian lận". Tôi nghĩ dùng chữ đó cho đồng nghiệp là quá nặng nề. Bình tâm nghĩ và xem lại, các ứng viên đâu có gian lận. Họ khai đầy đủ bài báo họ công bố, tập san công bố, chi tiết về năm và số báo, v.v. Tôi nghĩ không thể nói các ứng viên gian dối được.

Vấn đề là đạo đức công bố (tức publication ethics) mà tôi nghĩ ở Việt Nam ít ai biết đến. Ở Đại học New South Wales bất cứ ai được bổ nhiệm chức vụ khoa bảng phải theo học một khoá học về Scientific Integrity (8 môn học), trong đó có môn Đạo đức Công bố. Học viên phải học cách phân biệt giữa tập san chánh thống và tập san dỏm, và qui ước là không công bố trên tập san dỏm. Công bố trên các tập san đó được xem là vi phạm đạo đức công bố. Các bạn có biết tại sao vi phạm?

Các ứng viên giáo sư lần này vì lí do gì đó công bố đã công bố trên một số tập san được xem là phi chánh thống. Cũng có thể xem đây là các tập san dỏm, và đó là vấn đề.

Open Access là dỏm?

Nhiều người trong các hội đồng giáo sư ở VN cho rằng các tập san Open Access (Mở) và các tập san có trả ấn phí để công bố là "kém chất lượng". Quan điểm này rất sai. Cái sai lầm có lẽ là do lẫn lộn giữa thể loại tập san và mô thức công bố:

1. Các tập san khoa học có thể chia thành 2 thể loại: chánh thống và phi chánh thống.

2. Mô thức công bố có thể là 'Đóng' hay 'Mở'. Mô thức 'Đóng' có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí thấp hay không có ấn phí, nhưng độc giả phải trả tiền để đọc. 'Mở' có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí cao, nhưng độc giả thì không cần trả tiền để đọc.

3. Tập san chánh thống (như Nature, Science, Lancet, New England) cho phép tác giả chọn mô thức công bố Đóng hay Mở.

4. Tất cả các tập san dỏm đều dùng mô thức xuất bản Mở.



Do đó, người ta có thể lầm ở điểm thứ 4 và đánh đồng Open Access là dỏm. Nhưng như các bạn thấy điểm thứ 3 giải thích rằng Open Access của các tập san chánh thống thì không thể xem là dỏm hay có phẩm chất thấp được (xem Giản đồ).


Thế nào là 'bài báo khoa học'?

Một vấn đề khác nữa là khái niệm 'bài báo khoa học'. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư là 5 bài, còn phó giáo sư là 3 bài. Nhưng hội đồng không nói bài báo đó là gì! Có nhiều loại bài báo khoa học:

· Bài nguyên gốc (original contribution), có nghĩa là bài từ nghiên cứu nghiêm chỉnh, dữ liệu lần đầu được công bố;

· Bài case report (báo cáo ca lâm sàng), không phải là bài báo nghiêm chỉnh, vì chẳng có giả thuyết hay mục tiêu gì cả, mà chỉ là mô tả;

· Bài tổng quan (review), tức là tổng quan y văn từ những bài đã công bố trước đây;

· Bình luận, tức những "Letter to the Editor", "Commentary", "Debate", "Editorial".

Nếu xét đề bạt, người ta chỉ xem bài nguyên gốc. Còn các bài khác không được tính, nhưng được dùng để đánh giá ứng viên. Còn ở VN, bài nào cũng có giá trị như nhau, vì người ta chỉ quan tâm "công bố quốc tế"! Nếu ứng viên có 10 bài case report được xem hơn người có 3 bài nguyên thuỷ! Vô lí chưa. Do đó, khái niệm bài báo khoa học phải xem lại.

Tóm lại, đây không phải là gian lận công bố khoa học, mà là đạo đức công bố khoa học. Cách đánh giá tập san y khoa của hội đồng giáo sư ngành y và cả người đánh giá lại có vấn đề, vì lẫn lộn giữa tập san chánh thống, tập san phi chánh thống và tập san 'săn mồi'. Nếu làm nghiêm chỉnh thì cần phải có một hội đồng độc lập với những thành viên giàu kinh nghiệm về công bố khoa học thì mới công bằng. Vấn đề sau cùng là ở hội đồng, chớ không phải ứng viên.

____

[1] https://vnexpress.net/16-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-bi-to-cao-khai-gian-4180696.html

[2] https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm

[3] https://www.tienphong.vn/giao-duc/chi-tiet-16-ung-vien-gspgs-bi-to-gian-doi-va-ket-qua-tham-dinh-cua-gs-nguyen-ngoc-chau-1738811.tpo

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page